TRƯỚC TIÊN, HÃY PHÁ BỎ NHỮNG LỀ THÓI TƯ DUY THÔNG THƯỜNG

NHÀ GIÁO vs NHÀ QUẢN LÝ

Tôi mới vừa đọc bản tóm lược của cuốn “First, break all the rules” của hai tác giả Marcus Buckingham và Curt Coffman, mà trước đó tôi có đọc bản tiếng Việt. Với tôi, đây là một trong những cuốn sách viết về đề tài quản lý hay nhất. Tôi cao hứng chia sẻ vài ý sau khi ngẫm nghĩ ở bản thân trong hai vai trò của công việc: dạy học và quản lý.

Vai trò nhà giáo (làm công việc dạy học) và nhà quản lý (làm công việc quản lý công ty) đôi khi rất chỏi nhau.

Nhà giáo tin vào tiềm năng (vô hạn) của con người, và mong muốn mọi người được khơi dậy và phát huy hết tiềm năng của mình.

Nhà quản lý không có đủ thời gian và cơ hội cho điều đó. Thậm chí đôi khi việc khơi dậy và phát huy hết tiềm năng lại gây ra phiền phức vì nguyên lý Peter không cho phép. Những nhân viên “được” khơi hết tiềm năng nhiều khi gây ra phiền phức cho tổ chức.

Nhà giáo giúp học trò chọn đi về phía mà học trò tin là tốt nhất cho bản thân. Người ta gọi đó là nền giáo dục khai phóng.

Nhà quản lý thì không chắc muốn nhân viên đi về phía tốt nhất cho bản thân, vì chưa hẳn điều đó là tốt cho tổ chức. Đã làm quản lý thì phải đi về hướng mà tổ chức muốn, nên rất khó gọi là khai phóng trong môi trường doanh nghiệp.

Nhà giáo cổ vũ cho giá trị bình đẳng nhiều hơn, vì tin rằng và mong rằng ai cũng bình đẳng như nhau trước mọi cơ hội giáo dục. Nhà giáo cố gắng không thiên vị, dành sự quan tâm đều cho mọi người.

Nhà quản lý cũng có điều đó, nhưng hướng về giá trị công bằng nhiều hơn, theo nghĩa là ai làm nhiều thì được nhiều và ngược lại. Nhà quản lý hơi khó giữ mình không thiên vị dù cố gắng tỏ ra như vậy, vì rõ ràng họ cần ưu tiên cho những người được việc hơn. Nếu nhìn sự phân bổ trong quỹ lương hay quỹ đào tạo thì khó mà thấy sự bình đẳng, kể cả trong cùng một vị trí, và điều này là hoàn toàn bình thường trong môi trường doanh nghiệp.

Nhà giáo nhìn ở phương diện gieo nhiều hơn, vì họ đang “trồng người”, còn “đầu ra” của quá trình ấy là gì họ cũng không mấy quan tâm, vì đó là việc của học trò.

Nhà quản lý nhìn ở phương diện gặt nhiều hơn, vì họ không muốn “trồng” nữa, cùng lắm là tưới tắm duy trì, chăm sóc một chút. Họ muốn gặt hái kết quả càng nhiều càng tốt, kể cả khi họ đang cổ vũ cho văn hóa học tập, thì học là để “gặt” vì đó là trách nhiệm của nhà quản lý.

Còn nhiều thứ khác chỏi nhau nữa giữa hai vai trò này, nên đôi khi một người làm cả hai sẽ cần thận trọng và tỉnh táo: khi nào là nhà giáo, khi nào là nhà quản lý, cần rõ ràng trong lời nói, quyết định để không bị nhập nhằng.

Bản thân tôi tự xem mình là “giáo làng” đi làm quản lý, mà đa phần còn quản lý kinh doanh nữa, nhiều lúc không dễ dung hòa. Tôi phải tự nhắc nhở mình rất nhiều về điều này. Thành thật thì không phải lúc nào cũng làm tốt, nhưng nhìn chung là tạm ổn. Xét từ một phương diện khác, hai vai trò này bổ khuyết cho tôi rất nhiều, vì vậy mà vẫn cố gắng đảm đương cả hai để hoàn thiện mình, đôi lúc có mệt mỏi nhưng phần thưởng đổi lại cũng lớn.

Mấy ngày cuối năm Quý Mão này là dịp tốt để chúng ta hồi tưởng lại sau những quyết định và hành xử của bản thân. Mong rằng năm mới Giáp Thìn sẽ mở ra cho mỗi người những thử thách để ngày một hoàn thiện mình hơn.

(Nguồn fb: Vũ Đức Trí Thể)

Bài viết cùng danh mục