TAM ĐA: ĐA SỞ THÍCH, ĐA KỸ NĂNG, ĐA NGUỒN THU – Phần 2
TAM ĐA: ĐA SỞ THÍCH, ĐA KỸ NĂNG, ĐA NGUỒN THU – Phần 2
Trước những biến chuyển của thời đại khi xuất hiện smart phone, dịch bệnh, trí tuệ nhân tạo...Tốc độ thay đổi chóng mặt, người chỉ giỏi duy nhất một nghề sẽ gặp khó khăn, như trường hợp một anh phi công trẻ của Thái Lan lúc xảy ra dịch Covid đã bị thất nghiệp và anh ta lựa chọn sinh tồn bằng nghề chạy Grab. Rõ ràng câu: "Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh", " Một nghề thì sống, đống nghề thì chết" chỉ đúng trong phạm vi áp dụng nhất định.
Sau đây là trích đoạn, EmCVS rất tâm đắc trong cuốn "Một đời như kẻ tìm đường" của thầy Phan Văn Trường. Bản thân tác giả cũng đã từng trải qua như thế! Và khi tư vấn hướng nghiệp, tác giả cũng chia sẻ câu chuyện này cho khách hàng, học sinh.
"Ngày nay, quy chế bách nghệ (đa nghề) không dành riêng cho thành phần ưu tú nào, mà ngược lại mỗi chúng ta đều phải hướng tới.
Tôi có một ông bạn hàng xóm vô cùng linh động khi ông ấy đã khuyến khích cả ba đứa con của mình học thêm nhiều nghề khác nhau. Đứa con trai đầu song song với việc học ngành kinh tế, đang học thêm âm nhạc. Đây không phải là lối học âm nhạc mà tất cả các đứa con trong những gia đình phong lưu theo học, mà là âm nhạc để thực sự chơi trong ban nhạc, để sáng tác nhạc, để mang kiến thức nhạc đi dạy học. Cháu chơi nhiều loại nhạc cụ, guitar, dương cầm, thổi clarinette, và cả trống jazz. Tóm lại, một mình cháu có thể là cả ban nhạc.
Cháu trai thứ hai mới 22 tuổi, đang theo học quản trị kinh doanh tại một trường ĐH có tiếng, nhưng là một đầu bếp có hạng. Cháu đã học xong khóa làm bánh Pastríe ngọt theo phong cách Pháp, theo học các khóa nấu cơm Việt, và gần đây đăng ký khóa học bếp Ý. Nói tóm lại, một mình cháu là một quán ăn với các món Tây và Ý.
Cô con gái út học thêm ngành thủ công mỹ nghệ, chuyên về sửa chữa các đồ cổ đã hư hại qua thời gian. Cháu rất khéo tay và trong giờ rảnh rỗi cháu còn biết làm đồ gốm để trang trí và bán nếu cần.
Tôi hỏi anh hàng xóm mục đích của anh là gì, và tôi khá thích thú khi nghe anh giãi bày: "Các nghề này là các cháu tự chọn, nhưng tôi cũng giúp các cháu hiểu được nguyên lý của sự lựa chọn. Thứ nhất giúp các con có thú tiêu khiển ích lợi. Thứ hai tạo cho các con cơ hội để tập sử dụng bàn tay của mình, song song với các môn dùng trí óc. Thứ ba mớm các con vào các lĩnh vực mang tính nghệ thuật chút, như nghệ thuật làm bánh, âm nhạc, và tạo ra đồ trang trí. Tôi nghĩ con người sinh ra không bao giờ được xao lãng nghệ thuật. Thứ tư, nếu chẳng may nghề chính mà các con đang theo học không còn giúp chúng kiếm được tiền thì đã có sẵn nghề khác trong tay để xoay sở. Nghề tay trái và nghề tay phải. Những nghề không bao giờ chết đều liên quan ít nhiều đến ẩm thực, giải trí, có phải thế không?"
Tôi thầm nghĩ, anh hàng xóm của mình thật sự rất khôn ngoan và yêu con. Anh đã giúp các con nắm vững thêm những nghề vượt thời gian. Một nghìn năm nữa, có lẽ người đầu bếp vẫn có việc làm, âm nhạc thì lúc nào cũng phồn thịnh, và nghề khôi phục tác phẩm xưa thì thời gian càng trôi nhanh, lại càng có nhiều tác phẩm để bảo quản...."
Phía dưới còn một vài ví dụ rất kì diệu nữa. Một ông giám đốc công ty tư vấn, có tài khôi phục lâu đài cổ, xây dựng, điện nước, vẽ tay lại toàn bộ những bức vẽ trên tường và trần. Một ông khác có đến ba nghề, chủ một công ty quảng cáo, vẽ tranh màu nước, và thổi thuỷ tinh thành những chậu, lọ hoa đủ kiểu và màu sắc.
Một người sáng làm kỹ sư, tối làm đầu bếp hay chơi trong một ban nhạc thật là thú vị. Họ được sống một cuộc đời súc tích, vui vẻ, và đầy cảm giác. Nhất là làm như vậy tức là đã đảo ngược lịch của cuộc sống một cách hợp lý: tận dụng tuổi trẻ để chơi cho đã, khám phá mọi khả năng bẩm sinh trước khi vào nghề, hiểu thấu đáo xã hội trước khi lội vào biển người bon chen, nhất là lựa chọn đúng đắn ngành nghề khi đã hiểu mình là ai, mình muốn gì..."
Tóm lại, cách đảm bảo sự thông suốt là phải biết tam đa: Đa sở thích, đa kỹ năng, đa nguồn thu nhập