HÀNH ĐỘNG NÀO CHO DOANH NGHIỆP SMEs NĂM 2024
Năm 2023 kết thúc với khá nhiều xáo trộn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các Doanh nghiệp. Có nhiều Doanh nghiệp đã lấy lại đà phục hồi theo sự phục hồi của ngành. Nhưng cũng không ít Doanh nghiệp vừa và nhỏ đã phải tạm dừng hoặc đang làm thủ tục đóng cửa. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, tính chung trong năm 2023, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 89,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 20,7% so với năm 2022; 65,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 18 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 3,1%. Phần lớn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động hay giải thể trong năm 2023 có thời gian hoạt động ngắn, dưới 5 năm, tập trung chủ yếu ở quy mô nhỏ (dưới 10 tỷ đồng).
Tùy vào tình hình kinh tế và các biến động vĩ mô trong năm 2024, mỗi Doanh nghiệp sẽ có một ngưỡng mà ở đó, sự sống còn của Doanh nghiệp bị đe dọa. Doanh nghiệp nào càng xa ngưỡng đó càng có cơ hội để bứt phá và phát triển bền vững về sau. Nói cách khác, nhiệm vụ của các Doanh nghiệp trong năm 2024 là thực hiện các hành động thoát càng xa càng tốt ngưỡng này.
Vậy những hành động cụ thể nào dành cho các Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) trong năm 2024?
Không có một chiến lược chung nào cho các Doanh nghiệp. Bởi chiến lược phải được hoạch định riêng cho từng Doanh nghiệp trên cơ sở phân tích, đánh giá các yếu tố nguy cơ và cơ hội trong ngành; phân tích, đánh giá nội lực hiện tại của Doanh nghiệp. Song, vẫn sẽ có những hành động hay bước đi cần thiết dành cho các Doanh nghiệp, nhất là Doanh nghiệp SMEs trong năm 2024 này như sau:
1. Cân bằng nguồn lực và giá trị tạo ra: giá trị ở đây là giá trị theo xu hướng (xem bài Giá trị theo xu hướng mới là giá trị). Những mảng nào, dự án nào, hoạt động nào, nguồn lực nào không mang lại hiệu quả, không tạo ra giá trị theo xu hướng thì nên mạnh dạn cắt giảm hoặc cắt bỏ. Hãy học Steve Job khi tái tiếp quản Apple vào năm 1997, việc đầu tiên mà ông làm là mạnh dạn cắt bỏ những hoạt động tạo ra ít giá trị hoặc giá trị đã lỗi thời để tập trung vào những hoạt động tạo ra giá trị đáng kể, giá trị mới.
Lưu ý, không cắt giảm nhân sự một cách tùy ý! Cần phân biệt rõ cắt giảm lĩnh vực mà Doanh nghiệp nhận thấy không còn hiệu quả. Giảm nhân sự chỉ là hệ quả của giảm hoạt động không hiệu quả chứ không phải giảm nhân sự theo chỉ tiêu từ ban lãnh đạo đưa ra. Có những công ty đưa ra chỉ tiêu phải cắt giảm nhân sự bao nhiêu % mà không dựa trên cơ sở cắt giảm hoạt động nào. Dẫn đến ảnh hưởng hoạt động sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại cho doanh nghiệp hơn là lợi ích chi phí do cắt giảm nhân sự mang lại.
2. Tư duy mới:
Với những cú shock của nền kinh tế toàn cầu 2023 do hệ quả của đại dịch Covid 19, của chiến tranh Ukraina - Nga, Israel – Hamas… và các xu hướng nổi bật của kinh tế xanh, của các nền tảng công nghệ, của trí tuệ nhân tạo… đòi hỏi Doanh nghiệp phải nhanh chóng đổi mới tư duy và cách làm để thích ứng và bắt kịp xu thế.
Việc cố gắng tạo ra giá trị dựa trên nguồn lực sẵn có không còn là mệnh đề luôn luôn đúng. Mà phải biết dịch chuyển nguồn lực để tạo ra giá trị theo xu hướng. Mọi chiến lược đề ra phải tính đến yếu tố liền mạch (seamless). Các hành động theo đó cũng phải thay đổi.
Các doanh nghiệp Việt Nam nên dành thời lượng, nguồn lực cho việc phân tích, nắm bắt giá trị theo xu hướng trong ngành. Từ đó, linh hoạt thay đổi, thúc đẩy sự tiến bộ trong tổ chức, dựa vào cái cốt lõi của mình để dịch chuyển phù hợp và kịp thời nhằm tạo ra giá trị nằm trên đường xu hướng. Nếu không, dù Doanh nghiệp có tập trung nguồn lực tạo ra giá trị ngày càng lớn hơn nhưng giá trị đó dành cho xu hướng cũ thì Doanh nghiệp sẽ gặp rắc rối. Khi đó, sự dịch chuyển theo xu hướng mới càng trở nên khó khăn vì nguồn lực tập trung quá nhiều cho việc tạo giá trị theo xu hướng cũ (xem bài: Giá trị theo xu hướng mới là giá trị).
3. Hành động mới:
Tìm kiếm thị trường mới cho sản phẩm/ dịch vụ hiện tại: luôn có những cơ hội tiềm năng ở các thị trường bên ngoài. Ở mỗi thị trường sẽ có những quy chuẩn, quy định riêng, Doanh nghiệp cần phải nghiên cứu triển khai nhằm đáp ứng những quy định, quy chuẩn của từng ngành, từng thị trường. Đặc biệt là về xu hướng kinh tế xanh, phát triển bền vững.
Phát triển sản phẩm phẩm/ dịch vụ mới cho thị trường hiện tại: sản phẩm/ dịch vụ mới hay đơn giản là trải nghiệm mới, trải nghiệm khác biệt cho khách hàng ở thị trường hiện tại. Đó là cách tiếp cận cần có trong năm 2024.
Mở rộng kênh tiếp cận khách hàng bằng các nền tảng công nghệ: ngày nay, mô hình kênh phân phối bằng cửa hàng vật lý đang dần dịch chuyển sang kênh phân phối online nhờ khả năng tiếp cận khách hàng lớn và nhanh. Nhưng cũng đặt ra các thách thức về sự cạnh tranh cao độ về giá cả và thời gian. Đòi hỏi Doanh nghiệp phải có cách tiếp cận sáng tạo, năng động, áp dụng trí tuệ nhân tạo sâu hơn.
4. Hướng theo dòng tiền trong năm 2024:
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú cho biết, ước tính với hạn mức tăng trưởng tín dụng 15% năm nay (2024) sẽ có thêm 2 triệu tỷ đồng được "bơm" vào nền kinh tế. Những ngành nghề có liên quan đến sản xuất, vật liệu xây dựng, sản phẩm/ dịch vụ phục vụ các dự án đầu tư công… sẽ được hưởng lợi. Vì vậy, Doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu khi dòng tiền được bơm ra.
5. Tinh gọn và cải tiến:
Đã qua rồi thời kỳ mà các doanh nghiệp dễ dàng tìm kiếm lợi nhuận vì nhu cầu thị trường liên tục phát triển như những năm trước đại dịch. Nguyên một năm qua, tổng cầu suy giảm làm cho doanh thu suy giảm. Kéo theo sự gia tăng gián đoạn làm suy giảm lợi nhuận biên. Để cứu vãn, các Doanh nghiệp đã chạy đua giảm giá bán hoặc co cụm lại. Cả 2 phương án đều dẫn đến suy kiệt sức lực của Doanh nghiệp. Vì thế, trong các chuỗi hành động của năm 2024, không thể không đẩy mạnh tối ưu hóa vận hành, nâng cao năng lực lao động, tối ưu hóa chi phí thông qua việc đào tạo, áp dụng các công cụ quản lý phù hợp với Doanh nghiệp của mình giúp giảm giá vốn, tăng sức cạnh tranh, gia tăng thị phần, tạo tiền đề cho sự tăng trưởng lợi nhuận.
6. Đối với các Doanh nghiệp đã có đà tăng trưởng từ 2023:
Cần tận dụng thời cơ đẩy mạnh phát triển, chiếm lĩnh thị phần. Đầu tư cho các nguồn lực phát triển bền vững như đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ, đầu tư cho R&D.
6 nhóm hành động trên có thể áp dụng với liều lượng khác nhau tùy thuộc vào tình hình nội tại của Doanh nghiệp cũng như lĩnh vực mà Doanh nghiệp đang hoạt động. Và không quên rằng, tình hình kinh tế, chính trị trên thế giới năm 2024 mặc dù “ổn định” và dễ đoán hơn nhưng vẫn còn nhiều yếu tố khó lường, bất định. Do đó, các Doanh nghiệp phải luôn trong tư thế gọn nhẹ và linh hoạt, dự trữ hành động cho những ảnh hưởng có thể xảy ra.