XU HƯỚNG NĂM 2024 CHO DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ

GIÁ TRỊ THEO XU HƯỚNG - MỚI LÀ GIÁ TRỊ

Trong sách Xây dựng để trường tồn, Jim Colins và nhóm nghiên cứu đã đối chiếu các Công ty phát triển bền vững, trải dài trên 50 năm với các Công ty cùng tầm cỡ nhưng sau đó lụi tàn hoặc không thể trở lại đường đua, xét trong cùng quãng thời gian đủ dài. Sự khác biệt là Công ty vĩ đại trường tồn luôn giữ cái cốt lõi, đồng thời thúc đẩy sự tiến bộ, đặt ra và cam kết chặt chẽ các mục tiêu tham vọng, hấp dẫn để luôn tạo ra giá trị và giá trị mới. Ngược lại, các Công ty thất bại đã không tạo được giá trị mới do sự thỏa mãn với các thành tựu đạt được và rồi ngủ quên trên chiến thắng.

Sau này, những Nokia, Yahoo, Motorola, Kodak, Canon, Toshiba… từng một thời lừng lẫy tưởng chừng như bất khả chiến bại đã chỉ còn là những ký ức đẹp đẽ một thời. Đó là vì họ mãi theo đuổi việc tạo ra dòng giá trị chỉ có giá trị cao trong quá khứ mà không kịp nhận ra dòng giá trị mới đã và đang thay thế dòng giá trị mà họ luôn tự hào và cố gắng bồi đắp ngày càng lớn hơn. Khi dòng giá trị mới xuất hiện họ đã không nhận ra hoặc là cố phụ nhận sự thật là nó đang kích thích và khơi dậy nhu cầu mới vốn dĩ vô hạn của con người. Nó đã mở ra cánh cửa địa ngục cho các Công ty chỉ khăng khăng tạo ra giá trị cho xu hướng cũ.

Microsoft thời của CEO Steven Ballmer đã không có những thích ứng kịp thời với xu hướng mới, xu hướng di động và điện toán đám mây. Họ bám lấy hệ điều hành Window như là giá trị cốt lõi với sứ mệnh lạc hậu “một chiếc máy tính trên mỗi bàn làm việc của mọi nhà”. Sự gián đoạn giá trị theo xu hướng đã khiến Microsoft bị đẩy “ra ngoài cuộc chơi” điện thoại thông minh trước sự bùng nổ của iPhone và smartphone chạy Android. Cho đến khi Steven Ballmer rời Microsoft vào năm 2014, “gã khổng lồ” đang chật vật với hàng loạt rắc rối: Windows 8 trở thành thảm họa trong bối cảnh nhu cầu PC toàn cầu giảm, Bing không tạo được dấu ấn trước sự thống trị của Google, hệ điều hành windows phone thất bại thảm hại và các nhà phát triển mất niềm tin vào tập đoàn.

May thay, khi Satya Nadella lên nắm quyền điều hành, Microsoft đã có những thay đổi rõ ràng, dứt khoát để dần trở lại đường đua và bắt kịp xu hướng đề cao tính di động và điện toán đám mây, tiếp tục tạo ra giá trị cho người dùng bằng windows 10, windows 11, office 365 và Bing AI… Giúp đưa giá trị vốn hóa của Microsoft từ 311 tỷ USD năm 2014 lên 2800 tỷ USD vào năm 2023. Tức là gấp 9 lần trong 9 năm.

Tại Apple, năm 1997, khi Steve Jobs trở lại điều hành Công ty do chính mình sáng lập năm 1976 và bị đẩy đi năm 1983, việc đầu tiên mà ông làm là mạnh dạn cắt bỏ những hoạt động tạo ra giá trị đã lỗi thời để tập trung vào những hoạt động tạo ra giá trị đáng kể. Đồng thời kiên định một cách độc đoán trong thiết kế những sản phẩm mới, tích hợp những giá trị đột phá. Kết quả là 2007, một kiệt tác công nghệ ra đời, iPhone, đã làm thay đổi hoàn toàn thế giới trở về sau, đẩy những tên tuổi lừng lẫy một thời như Nokia, HTC, Palm, Sony Erisson, Motorola, Blackberry… đi vào quá khứ. Đồng thời đặt nền tảng cho Apple phát triển rực rỡ trở thành Công ty đại chúng toàn cầu có giá trị nhất thế giới dưới thời Tim Cook, với tổng vốn hóa lên đến gần

3000 tỷ USD năm 2023.

 

Mặc dù cố gắng bồi đắp dòng giá trị ngày càng lớn hơn nhưng khi nó nằm dưới đường xu hướng thì giá trị đó cũng không còn giá trị (tức là giá trị âm). Do vậy, điều quan trọng không phải là tạo ra giá trị ngày càng lớn hơn mà chính là tạo ra giá trị theo xu hướng.

Các doanh nghiệp Việt Nam nên dành thời lượng, nguồn lực cho việc phân tích, nắm bắt giá trị theo xu hướng trong ngành của mình. Từ đó, linh hoạt thay đổi, thúc đẩy sự tiến bộ trong tổ chức, dựa vào cái cốt lõi của mình để dịch chuyển phù hợp và kịp thời nhằm tạo ra giá trị nằm trên đường xu hướng. Nếu không, dù Doanh nghiệp có tập trung nguồn lực tạo ra giá trị ngày càng lớn hơn nhưng giá trị đó dành cho xu hướng cũ thì Doanh nghiệp sẽ gặp rắc rối. Khi đó, sự dịch chuyển theo xu hướng mới càng trở nên khó khăn vì nguồn lực tập trung quá nhiều cho việc tạo giá trị theo xu hướng cũ. Nhưng lưu ý, sự sự dịch chuyển phải dựa vào cái cốt lõi, giữ gìn cái cốt lõi.

Ngày trước, ở Việt Nam, vào thập niên 1990, các Doanh nghiệp chỉ cần tạo ra sản phẩm dùng được là ắt có người mua, sản xuất không kịp bán. Chỉ cần làm sao tìm được nguồn vật tư để sản xuất. Những năm 2000, Doanh nghiệp chỉ cần tạo ra sản phẩm có chất lượng là sẽ dẫn đầu. Những năm 2010, Doanh nghiệp phải tạo ra sản phẩm vừa chất lượng vừa giá cả cạnh tranh. Và thập niên tiếp theo, Doanh nghiệp vừa phải tạo ra sản phẩm có chất lượng, giá cạnh tranh, trải nghiệm tuyệt vời, thỏa mãn nhu cầu về cái tôi của người tiêu dùng, gắn với giá trị nhân văn và… tạo ra giá trị mới kích thích nhu cầu tiềm ẩn vô hạn của con người.

Trong bối cảnh đó, cá mỗi người cũng phải trang bị năng lực theo xu hướng.

Ở giai đoạn Doanh nghiệp chỉ cần tạo ra sản phẩm dùng được (thập niên 1990) thì năng lực cá nhân chỉ cần đạt được mức độ “làm được việc”. Giai đoạn Doanh nghiệp cần tạo ra sản phẩm chất lượng (thập niên 2000) thì năng lực cá nhân cũng lên một cấp độ nữa, là không chỉ làm được việc mà phải “làm tốt việc cần làm”. Giai đoạn Doanh nghiệp cần tạo ra sản phẩm vừa chất lượng vừa giá cả cạnh tranh (thập niên 2010) thì năng lực con người phải là không chỉ là làm tốt việc cần làm mà phải “làm tốt, hiệu quả và năng suất”. Và, trong thập niên này, trước đòi hỏi của xu hướng tiếp theo, năng lực của bạn phải là năng lực tổng hợp của năng lực cứng và năng lực mềm. Năng lực cứng bao gồm kiến thức, chuyên môn sâu, đa nhiệm. Năng lực mềm là hình ảnh, tác phong chuyên nghiệp, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, tư duy đổi mới, khả năng sáng tạo, phân tích, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng ứng dụng các công nghệ, ứng dụng phương pháp quản trị, quản lý vào chính công việc của mình…

Nếu không, là kỹ sư bạn sẽ biến thành công nhân kỹ thuật, là cử nhân bạn sẽ biến thành công nhân văn phòng. Những công việc lặp đi lặp lại, tiêu chuẩn hóa được, quy trình hóa được… sẽ dần bị thay thế bởi máy móc thiết bị và công nghệ, nhất là công nghệ AI.

Do đó, năng lực mềm ngày càng chiếm tỷ trọng cao về giá trị theo xu hướng, năng lực cứng sẽ ngày càng giảm tỷ trọng về giá trị theo xu hướng. Và điều này đang diễn ra ngày càng rõ, ngày càng nhanh.

Là người làm việc trong Doanh nghiệp, nếu bạn chưa nhận ra giá trị cá nhân theo xu hướng mới, bạn sẽ không thể phát triển và thăng tiến, thậm chí có nguy cơ bị đào thải. Không phải Doanh nghiệp khắc nghiệt đối với bạn, mà chính Doanh nghiệp cũng đang phải tạo ra giá trị theo xu hướng. Nếu không, Doanh nghiệp cũng sẽ bị đào thải.

Bạn sẽ đón đầu xu hướng hay sẽ mắc kẹt trong vùng màu đỏ? 

Liên hệ ngay với EmCVS để được chúng tôi tư vấn giải pháp cho bạn.

 

 

Bài viết cùng danh mục